Monday, September 9, 2024

VỤ TAI NẠN LƯU QUANG VŨ - XUÂN QUỲNH

 VỤ TAI NẠN LƯU QUANG VŨ - XUÂN QUỲNH

Tác giả: Lê Bảo Trung


Kỳ 1: Mùa hè định mệnh!

 

Vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh.

(Dân trí) - Một ngày mùa hè năm 1988, giới văn nghệ sỹ và công chúng bàng hoàng hay tin: Vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh lâm nạn trong vụ tai nạn giao thông ở Hải Dương. Sự nổi tiếng của cặp vợ chồng nghệ sĩ tài danh này đã khiến cho việc ra đi của họ trở nên bí ẩn trong lòng công chúng.

Nhiều năm sau, những người ái mộ vẫn không thôi tìm hiểu về vụ tai nạn đầy thương tâm này. Kỷ niệm 18 năm ngày mất của họ (29/8), Dân trí xin đăng thông tin xung quanh vụ tai nạn và những điều còn ít người được biết.

Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh đến với nhau, dâng hiến cho nhau trọn vẹn 15 năm, để rồi cả hai ra đi trong niềm nuối tiếc vô hạn của người thân, bạn bè và công chúng.

Mùa hè 1988 là mùa hè đặc biệt, liên tiếp trong mấy tháng có quá nhiều biến cố xảy đến với gia đình họ Lưu, và vụ tai nạn mang đi cùng lúc ba sinh mạng là biến cố lớn nhất, đã nhiều năm trôi qua nhưng nhiều người không thể quên.

Những tác phẩm để đời

Năm 1973, Lưu Quang Vũ đến với Xuân Quỳnh khi mỗi người đã có một con riêng. Xuân Quỳnh hơn Lưu Quang Vũ 6 tuổi, nhưng hai người đã "bất chấp tất cả" để trở thành vợ chồng và sống với nhau rất hạnh phúc.

Đến tháng 2/1975 họ sinh được một con trai là Lưu Quỳnh Thơ (nhiều người vẫn lầm tưởng là con gái). Năm 1979, Lưu Quang Vũ bắt đầu trở thành nhà viết kịch bằng vở "Sống mãi tuổi 17". Vở diễn được Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng, tham gia Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 1980.

Sang năm 1981, sau khi cha ông - nhà viết kịch Lưu Quang Thuận - qua đời, Lưu Quang Vũ hoàn thành kịch bản "Nàng Sita" dở dang của người cha quá cố để lại. Kể từ đó, ông bắt đầu sáng tác với một tốc độ phi thường, khiến cho các đồng nghiệp đều phải nể phục.

Em ruột Lưu Quang Vũ là PGS.TS Lưu Khánh Thơ, năm nay 48 tuổi. Bà Thơ hiện là Trưởng ban biên tập - Trị sự của Tạp chí Văn học. Trong ngôi nhà nằm khép mình ở một ngõ nhỏ trên đường Nguyễn Trãi (Hà Nội), bà Thơ kể về sức làm việc của người anh với niềm tự hào dâng đầy khoé mắt: "Nhà tôi có 6 anh chị em, chỉ có duy nhất tôi là gái. Anh Vũ bước chân vào văn đàn rất sớm và những năm 1980 thì tài năng của anh thực sự vào độ chín".

Bà Thơ kể lại rằng, ngày đó Lưu Quang Vũ làm việc quên ăn quên ngủ. Anh có 2 thói quen đã hình thành từ rất lâu: Đi dạo đêm và uống cà phê vỉa hè buổi sáng. Nhưng rồi, anh phải bỏ cả hai thói quen ấy vì công việc. "Ngày ấy tôi rất thương anh, đến cả những thói quen bình dị nhất cũng phải từ bỏ, để lao vào việc", bà Thơ nói.

Sân khấu kịch những năm 80, từ Bắc vào Nam tràn ngập kịch Lưu Quang Vũ. Đi đến đâu cũng thấy kịch của anh. Nhiều đêm, có tới 6-7 vở kịch của anh được diễn cùng lúc ở các rạp cả nước. Nhiều người gọi sân khấu kịch lúc đó là sân khấu Lưu Quang Vũ. Ngay cả đến bây giờ, những "Hồn Trương Ba da hàng thịt"; "Tôi và chúng ta", "Bệnh sĩ", "Lời thề thứ chín"... các tác phẩm vang danh ấy vẫn được nhắc đến hàng ngày.

Nói về sức làm việc của anh ruột mình, nhà báo Lưu Quang Định nói: "Chỉ trong vòng 8 năm kể từ khi bước vào sân khấu cho đến khi nằm xuống, Lưu Quang Vũ đã viết hơn 50 vở kịch, hầu hết đã được dàn dựng. Đó là còn chưa kể hàng trăm bài thơ, truyện ngắn, bài báo...

Người ta vẫn thường hỏi Lưu Quang Vũ lấy đâu ra thời gian, năng lượng để hoàn thành một khối lượng công việc đồ sộ như vậy trong một thời gian ngắn như thế? Ngay cả bạn bè, đồng nghiệp và cả những người thân trong gia đình nhiều lúc cũng không trả lời nổi câu hỏi đó".

Viết như chạy nước rút!

Những vở kịch đã khiến cho công chúng ngày càng yêu mến Lưu Quang Vũ. Vợ chồng ông trở nên nổi tiếng hơn bao giờ hết và hầu như trên các văn đàn thời đó, thơ tình Xuân Quỳnh, kịch Lưu Quang Vũ là những đề tài luôn nóng bỏng, thu hút sự chú ý của tuyệt đại đa số công chúng yêu Văn chương - nghệ thuật.

Mùa hè năm 1988 là mùa hè cuối cùng của vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. Đó cũng là khoảng thời gian mà Lưu Quang Vũ làm việc với năng suất phi thường. Trong mùa hè ấy, những biến cố cũng dồn dập xảy đến với gia đình ông.

Nhà báo Lưu Quang Định nhớ lại: Mùa hè năm đó tôi mới 22 tuổi, đang là sinh viên năm thứ hai ở Liên Xô, được về phép. Sau mấy năm xa nhà, thấy Hà Nội có một số thay đổi: Chế độ tem phiếu đã bị bãi bỏ. Đồ đạc có vẻ nhiều hơn, nhưng điện vẫn thường xuyên mất, cuộc sống nhìn chung vẫn rất vất vả. 

Gia đình tôi sống trong một căn phòng ở gác hai số nhà 96 phố Huế. Anh Vũ, chị Quỳnh, Kít (Lưu Minh Vũ - MC "Hãy chọn giá đúng" của VTV3) và Mí (Lưu Quỳnh Thơ) sống trong một căn phòng rộng 6,5m2 trên tầng ba. Suốt mùa hè đó, thường thường tôi chỉ gặp anh Vũ lúc sáng sớm, hoặc lúc 1, 2 giờ sáng còn cả ngày anh đi vắng suốt với lịch làm việc dày đặc.

Nhiều lúc chị Quỳnh bảo với mẹ tôi: "Mẹ phải can anh Vũ giúp con, anh ấy làm việc chẳng kể gì đến sức khoẻ cả". Mẹ tôi cũng thường nói với anh: "Con làm gì cũng phải giữ lấy sức khoẻ". Những lúc đó, anh thường bảo: "Con cũng biết thế nhưng mình cố một chút thì đoàn có vở dựng, mấy chục con người có công ăn việc làm...".

Anh Vũ là người rất mê bóng đá nhưng giải Euro năm đó tôi thấy hầu như anh không còn thời gian để xem. Chị Quỳnh cũng "miễn" mọi việc nhà cho anh, không phải xuống tầng một xếp hàng xách nước lên tầng ba. Hồi đó nước sinh hoạt ở Hà Nội là một vấn đề rất cơ cực".

"Điềm số" báo trước

Tháng 3/1988, Xuân Quỳnh được đề cử tham gia Ban Giám khảo Liên hoan phim toàn quốc ở Nha Trang. Trên đường đi, chiếc xe chở cả đoàn đang qua cầu bỗng bị lật, rất may không ai bị thương.

Tháng 5/1988, Xuân Quỳnh phải nhập viện vì bệnh đau tim. Lúc này sức khoẻ của chị rất kém, chứng đau tim làm da xanh tái, phải nằm viện hai tháng trời. "Khi tôi về phép thì chị đã ra viện, nhưng sắc mặt kém đi nhiều so với một năm trước đó, khi tôi gặp chị ở Matxcơva trong đoàn nhà văn Việt Nam sang học tại Trường viết văn Gorki. Tính chị vẫn vui, vẫn hay đùa, nhưng nhiều lúc trong câu chuyện thấy ánh mắt chị thảng thốt, như nhìn vào đâu đâu" - nhà báo Lưu Quang Định nhớ lại.

"Mọi người lúc đó thường tránh nói về bệnh tật của chị. Vì vậy tôi cũng không biết bệnh chị nghiêm trọng đến mức nào. Mãi về sau này, mẹ tôi mới kể là lúc đó, anh Vũ đã nói với bà: Bác sĩ bảo bệnh tim của Quỳnh rất nặng. Nếu chăm sóc tốt thì cũng chỉ sống được vài ba năm nữa thôi, phải có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi đặc biệt"...

Những cuộc chia tay không gặp lại

Cũng mùa hè năm đó, vợ chồng Lưu Quang Vũ được Hội Nhà văn phân nhà, một căn hộ hai phòng trên tầng ba khu tập thể Ngọc Khánh rộng hơn 40m2. Không thật rộng rãi, nhưng so với cái "chuồng cu" 6m2 mà gia đình các em Lưu Quang Vũ đang ở thì quả là quá rộng.

Xuân Quỳnh trong một lần đưa đến thăm nhà, còn tính toán chỗ này kê giường, chỗ kia kê tủ. "Chỉ tiếc là chưa kịp dọn về căn hộ mới, chưa kịp nằm trên chiếc giường mơ ước ấy, anh chị đã ra đi..." - nhà báo Lưu Quang Định bùi ngùi.

Ngày 23/8/1988, cụ Vũ Thị Khánh (thân mẫu Lưu Quang Vũ) cùng mấy cụ trong tổ hưu đi Sài Gòn chơi. Từ sáng sớm, Lưu Quang Vũ đã xuống chào mẹ và nói: "Hôm nay con bận đi làm nên không tiễn mẹ được. Khi nào mẹ ra, con sẽ đi đón". Miệng nói, tay Vũ cầm bút viết lên cuốn lịch treo tường dòng chữ: "8/9 mẹ ra, có mặt".

Ngày 25/8, Lưu Quang Định bay trở lại Nga: "Hôm đó anh Vũ cũng đi vắng. Xe sắp chuyển bánh lên Nội Bài thì chị Quỳnh và Mí chạy về. Tôi đã ngồi trong xe, chị Quỳnh đứng ngoài nắm lấy tay tôi, cười: "Hôm nào anh chị đi Liên Xô, Định lại dẫn ra chụp ảnh ở Quảng trường Đỏ nhé...". Có ngờ đâu đó là những lời cuối cùng chị Quỳnh nói với tôi".

Ngày 27/8, Lưu Quang Vũ và hoạ sĩ Doãn Châu xuống làm việc với đoàn kịch Hải Phòng, đưa cả Xuân Quỳnh, Mí và gia đình hoạ sĩ Doãn Châu đi cùng, tranh thủ kết hợp cho trẻ con tắm biển Đồ Sơn trước khi bước vào năm học mới.

Chiều 29/8 trở về, vừa qua đầu cầu Phú Lương (Hải Dương) thì tai nạn xảy ra. Tin về vụ tai nạn đã nhanh chóng lan nhanh khắp Hà Nội, rồi cả nước. Vì vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh quá nổi tiếng nên cái chết của họ đã làm dấy lên nhiều luồng dư luận khác nhau.

Nhiều năm sau, vẫn không ít người hồ nghi và muốn biết sự thật về vụ tử nạn này. Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ chết như thế nào? Vụ tai nạn ra sao? Xung quanh cái chết của gia đình nghệ sĩ tài danh này còn "sự thật" nào nữa?




Kỳ 2: Tường thuật của những nhân chứng sống

 

Bà Bích Thu đang tả lại vụ tai nạn.

(Dân trí) - Cái chết của vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh và đứa con nhỏ đã trở thành nỗi ám ảnh không thể nào nguôi đối với thân nhân của họ và nhiều người khác. Riêng đối với gia đình hoạ sĩ Doãn Châu - những người cùng ngồi trên chiếc xe bị nạn - thì cái ngày kinh hoàng đó lúc nào cũng như chỉ mới hôm qua.

Mùa hạ cuối cùng

Chúng tôi tìm tới hoạ sĩ Doãn Châu ở khu tập thể nhà hát Kịch Việt Nam. Ông Châu (hiện đã 64 tuổi) cùng vợ sống trong một căn hộ chật hẹp phía sau Nhà hát Lớn. Riêng ông Châu thì có một xưởng vẽ nhỏ. Đã mấy năm nay, ông thường sống khép mình trong xưởng, hàng ngày chỉ chuyên tâm sáng tác.

Đã 18 năm trôi qua, kể từ ngày vợ chồng Lưu Quang Vũ ra đi, trong ký ức của đôi vợ chồng nghệ sĩ Doãn Châu - Bích Thu (nguyên diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam), những hình ảnh về chuyến xe định mệnh vẫn không hề phai nhoà ngay cả từng chi tiết nhỏ.

Nghệ sĩ Doãn Châu là người bạn thân (hai người kết giao với nhau từ năm 1976) và cũng là người cộng tác trong hầu hết các vở kịch nói do Lưu Quang Vũ viết. "Trong số hơn 50 tác phẩm kịch Lưu Quang Vũ viết thì tôi làm sân khấu tới hơn 30 vở, như Hồn Trương Ba da hàng thịt, Sống mãi tuổi 17, Ông không phải là bố tôi, Chết cho điều chưa có... Phải 2 - 3 năm nau khi Vũ mất, tôi mới làm việc trở lại", ông Doãn Châu nói.

Với ông Châu, vụ tai nạn là một kỷ niệm buồn, không muốn nhắc tới. Nhưng rồi một hồi lâu, sau khi dồn nén những xúc động vào lòng, ông kể: "Mùa hè năm 1988, tôi và Vũ bàn nhau kế hoạch đưa cả hai gia đình đi nghỉ. Nhưng mãi đến tận đầu tháng 8 vẫn chưa thực hiện được dự định. Nhân chuyện tôi và Vũ làm vở Hai nghìn ngày oan trái với Đoàn kịch Hải Phòng, đoàn mời cả hai gia đình chúng tôi về Đồ Sơn tắm biển và kết hợp đọc vở. Chúng tôi dự định ngày 16/7 âm lịch sẽ khởi hành".

Tuy nhiên, khi đưa ý định đó ra thì bà Bích Thu đã ngăn cản. Bà Thu nhớ lại: "Không hiểu sao lúc đầu, tôi ngăn cản chuyến đi rất kịch liệt, nhưng sau cùng lại đồng ý, cũng là chiều lòng mọi người. Tôi bảo: Nếu đi thì để sau rằm".

Trước đó một ngày, rằm tháng bảy - ngày xá tội vong nhân, gia đình Doãn Châu làm cơm mời cả nhà Lưu Quang Vũ sang ăn. Bữa cơm rất vui. Sau bữa ăn, cả nhà rôm rả bàn bạc về chuyến đi ngày hôm sau. Xuân Quỳnh vốn tính chu đáo, cẩn thận, lo mang theo cả bếp điện, nồi, phin cà phê, đồ ăn thức uống...

Chiều 27/8, hai gia đình về đến Đồ Sơn, đi bằng chiếc com-măng-ca thuê từ Hà Nội. "Nói là đi nghỉ nhưng thật ra chỉ có nhà tôi, chị Quỳnh và hai cháu được thảnh thơi, còn tôi và Vũ vẫn phải bận bịu vì công việc. Ngay đêm đó, khi mọi người đi nghỉ, tôi và Vũ kéo nhau ra hành lang uống nước chè, hút thuốc lào và trao đổi công việc ngày hôm sau.

Sáng 28/8, Vũ đọc kịch bản Hai nghìn ngày oan trái cho Đoàn kịch Hải Phòng, công việc diễn ra hết sức suôn sẻ. Sau bữa cơm chiều, cả hai gia đình kéo nhau ra bờ biển. Đã lâu lắm chúng tôi mới có một đêm thư giãn như thế này.

Vũ kể rất cởi mở với tôi quãng đời đã qua của mình. Cả một quá khứ bị đánh thức. Có những chuyện mãi mãi là của Vũ, tôi không đủ đồng cảm để sẻ chia. Với những chuyện ấy, tôi chỉ biết thương Vũ, dành cho Vũ những lời an ủi, lời khuyên của một người bạn" -  Ông Châu trầm tư bên làn khói thuốc.

“Hai nghìn ngày oan nghiệt” hay chuyến đi oan nghiệt

Rất tình cờ, ông Doãn Châu thoát chết trong thảm kịch ấy. "Ở Đồ Sơn đến ngày thứ ba thì Vũ nhớ hẹn với anh Hoàng Quân Tạo ở Đoàn kịch Hà Nội. Ăn trưa xong, Vũ cứ bồn chồn, đứng ngồi không yên. Vũ giục về luôn, nhưng đã hẹn chờ anh Lân ở Đoàn Hải Phòng để cùng về Hà Nội nên cứ nấn ná mãi", ông Châu kể.

Chiều 29/8, chiếc xe chở hai gia đình về Hà Nội. Dọc đường đến cầu Lai Vu, xe đỗ, mấy phụ nữ xuống mua một rổ ổi. Lúc đó Mí và Vinh ngồi đánh cờ phía băng ghế bên phải. Ông Châu và Lưu Quang Vũ kẻ nằm người ngồi dưới sàn xe còn Xuân Quỳnh và bà Bích Thu ngồi phía băng ghế đối diện.

Khoảnh khắc xảy ra tai nạn nhanh đến khó tả. Đến gần cầu Phú Lương, Vinh và Mí buồn ngủ. Xuân Quỳnh đổi chỗ cho Vinh để giữ Mí. Vinh chuyển sang băng ghế bên trái nằm gối đầu lên bà Thu. Ông Châu đang nằm dưới sàn xe cũng chuyển lên ngồi băng ghế bên trái, giữ chân con trai.

Lúc này Lưu Quang Vũ nói tếu: "Thôi, tôi về chỗ tôi đây", và ông chuyển về ngồi ghế "thủ trưởng" bên cạnh lái xe. Xe qua cầu Phú Lương, đi trên đường vừa hẹp vừa xuống dốc. Trước mặt có chiếc xe Kamaz đang đi chầm chậm. Đường dốc nên xe nào qua đây cũng phải thận trọng.

Bất chợt, có hai phụ nữ đội nón đèo nhau trên xe đạp, lao từ đê xuống đường, cắt qua mặt xe Kamaz, chiếc xe này phanh khựng lại. Người lái chiếc xe com-măng-ca đang bám sau định đánh tay lái vượt lên. Và chỉ trong tích tắc ấy, một chiếc xe ben phía sau đã mất phanh đâm sầm vào đuôi chiếc com-măng-ca, đẩy xe này vào gầm xe Kamaz phía trước.

Cả gia đình Lưu Quang Vũ ngồi phía bên phải bị văng xuống đường. Ông Châu xác nhận đó là khoảng 14h40 phút ngày 29/8/1988 (trước đây nhiều nguồn tin nói là 15h30 phút).

“Hoa vàng ở lại”... mây trắng về trời

Cho tới tận bây giờ, bà Bích Thu vẫn không thôi bị ám ảm mỗi khi ngồi sau xe bất cứ ai. Bà sợ cảm giác sẽ bị ai đó đâm lên từ đằng sau giống như vụ tai nạn cách đây 18 năm: "Tôi đang ngồi thì bỗng rầm một tiếng, rồi tôi thấy một cơn mưa trắng xoá ở đâu quất đầy lên mặt". Cái mà bà Thu miêu tả - cơn mưa trắng - chính là kính xe bị vỡ vụn.

Ông Châu lúc đó đang ngồi gà gật thì chỉ nghe thấy một tiếng "rầm", cả chiếc xe nẩy tung: "Khi tôi mở mắt ra thì cảnh tượng thật hãi hùng. Quỳnh và cháu Mí nằm im không nhúc nhích. Vũ chỉ còn khe khẽ thở. Tôi cởi áo may ô gối lên đầu cho Vũ. Vũ thều thào: "Thằng Mí đâu rồi?".

Đó là câu cuối cùng Lưu Quang Vũ còn nói được. Xuân Quỳnh và Mí thì đã chết ngay sau cú đâm xe. Bà Thu dập tay phải, ông Doãn Châu gãy xương sườn số 11, rách trán. Duy nhất một người không hề xây xát là Doãn Vinh - con trai ông Châu.

Sau một hồi van vỉ các xe qua đường nhờ đưa người đi cấp cứu, cuối cùng ông Châu cõng Lưu Quang Vũ lên một chiếc xe tải đến bệnh viện: "Cách thị xã Hải Dương 3km thì cảnh sát giao thông chặn lại không cho đi tiếp.

Tôi nói: Đây là Lưu Quang Vũ, nhân tài của đất nước. Cảnh sát nói: "Tôi biết nhưng chiếc xe đã gãy nhíp, đi tiếp rất nguy hiểm". Tôi đành bế Vũ xuống, vẫy xe khác. Đến bệnh viện Hải Dương, đầu Vũ ngoẹo sang một bên. Mấy cô y tá, hộ lý nhìn thấy tôi cõng Vũ thì hỏi luôn: "Đánh nhau hả?". "Không, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ bị tai nạn xe".

Các bác sĩ nghe thế thì nhiệt tình cứu chữa, nhưng không kịp... Vũ trút hơi thở cuối cùng lúc 15h20 phút. Cho đến giờ, mỗi khi nhớ lại khoảnh khắc ác nghiệt ấy, tôi vẫn cứ nghĩ: nếu hôm đó xe xuất phát sớm hơn hoặc muộn hơn một chút liệu tai nạn có xảy ra không?...

Sau khi xảy ra tai nạn, dư luận xôn xao, rằng liệu đó có phải là một vụ mưu sát. Nhưng những diễn biến trước khi vụ tai nạn xảy ra cho thấy: Nếu có một bàn tay nào đó sắp đặt thì đó chính là số mệnh. Vụ án sau đó được xử tại toà án Hải Dương. Lái xe gây tai nạn bị xét xử tù giam 10 năm.

***

Nhiều năm đi qua, kể từ ngày xảy ra vụ tai nạn, song nhắc đến Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ, không ai cầm nổi nỗi xót thương. Với họ, Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ chỉ như đang đi xa, một chuyến công tác dài...


Kỳ cuối: Những kỷ niệm cuối cùng

(Dân trí) - 18 năm là khoảng thời gian đủ để làm nguôi ngoai nhiều điều. Cuộc sống vận động không ngừng, những nhân chứng, bạn bè đồng trang lứa của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh ngày ấy, bây giờ đã trở thành những người có tuổi và những ký ức về cặp vợ chồng tài hoa bạc mệnh luôn được họ trân trọng cất giữ thiêng liêng.

Bàng hoàng tiếc thương

Sự ra đi đột ngột và đầy bất ngờ của vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh và cháu nhỏ đã khiến cả Hà Nội sững sờ, thương tiếc. Sáng 30/8/1988, hầu hết các báo đều đăng tin buồn. Đài phát thanh thành phố cũng loan tin ngay trong bản tin sớm. Ở những quán cà phê, hàng nước, những nơi công cộng, đâu đâu cũng thấy người ta xôn xao bàn tán về vụ tai nạn.

Nhà báo Lưu Quang Định nhớ lại ba ngày sau khi tai nạn xảy ra (lúc đó tôi đang du học Liên Xô): "Hôm đó, tôi sang trường Bưu điện chơi. Vừa vào phòng một anh bạn nghiên cứu sinh thì thấy mắt anh đẫm nước, rồi bảo: "Xin chia buồn với Định". Tôi ngớ người chẳng hiểu gì cả. Anh đưa cho tôi tờ báo Nhân dân, ở trang 8 có một ô nhỏ đóng khung bắt đầu bằng hai chữ: Tin buồn..."

PGS.TS Lưu Khánh Thơ (em ruột Lưu Quang Vũ, hiện là Trưởng ban biên tập - Trị sự của Tạp chí Văn học) nói: "Sau cái chết của anh chị tôi, đã có rất nhiều luồng dư luận và chúng tôi luôn phải đối mặt. Lưu Quang Vũ lúc bấy giờ là người dám đả phá rất mạnh các tệ nạn xã hội, những thói xấu của quan chức qua các vở kịch. Gia đình tôi là một gia đình trí thức, có đủ trình độ nhận thức. Song dư luận lúc đó mạnh đến mức, đã có lúc chúng tôi bị làm cho lung lay, cho rằng đằng sau cái chết của anh chị tôi vẫn còn điều gì đó... khuất tất?!".

Mới đây nhất, trong một lần trả lời Dân trí, MC Lưu Minh Vũ nói rằng: "Tôi nhớ khi nhận được tin về vụ tai nạn khủng khiếp ấy, tôi không tin. Tôi cảm giác như mình bị rơi xuống một cái hố đen sâu hút, không bao giờ có thể bước lên được nữa. Và cho đến tận bây giờ, tôi vẫn lặn lội một mình dưới cái hố đen ấy..."

"Mẹ vẫn ngỡ các con đi công tác xa...

Một năm sau ngày con trai, con dâu và cháu nội ra đi, nỗi buồn vẫn không thôi ám ảnh những người thân trong gia đình. Cụ Lưu Thị Khánh (thân mẫu Lưu Quang Vũ) viết: "Mí thương yêu của bà! - Vũ, Quỳnh thương yêu của mẹ! Các con và cháu vẫn sống mãi trong lòng mẹ. Mẹ và cả nhà luôn luôn nhớ đến hai con và cháu trong từng bữa ăn, từng giấc ngủ.

Trong những đêm dài thao thức, đau khổ và thương nhớ các con, mẹ vẫn thầm gọi: Mí ơi, Vũ, Quỳnh ơi! Mẹ cứ ngỡ như các con đang đi một chuyến công tác xa, một ngày nào đó rồi sẽ trở về với mẹ, với các em, các cháu. Để rồi đêm đêm ngọn đèn bàn lại sáng lên trong gian phòng nhỏ hẹp của các con, cho những trang bản thảo mới lại ra đời..."

Phải nhiều năm sau, nỗi thương nhớ mới dần nguôi ngoai. Bạn bè, người thân của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh dần lấy lại cân bằng. Báo chí thì nhắc đến cặp vợ chồng tài danh yểu mệnh này như một hoài niệm đau thương và tiếc nuối.

"Bộ tứ" chia ly

Những năm 1980, giới văn nghệ xuất hiện "bộ tứ": nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi, hoạ sĩ Đỗ Doãn Châu và nhạc sĩ Phó Đức Phương. Những người bạn trong "bộ tứ" đã cộng tác với Lưu Quang Vũ rất ăn ý khi dựng các vở kịch ông viết.

Giờ đây, Lưu Quang Vũ không còn, Nguyễn Đình Nghi cũng ra đi vì tuổi cao, bạo bệnh, "bộ tứ" chỉ còn lại hai người là hoạ sĩ Doãn Châu và nhạc sĩ Phó Đức Phương. "Tứ tượng" giờ đây đã đôi nẻo xa vời.

"Chúng tôi cùng nhau ra Bắc vào Nam dựng vở khắp nơi", ông Châu kể, "Gia đình tôi và Vũ ngoài tình đồng nghiệp còn rất gắn bó trong cuộc sống ngày thường. Lũ trẻ chúng tôi như con chung, chúng nó mặc quần áo lẫn của nhau, đứa lớn chuyền tay cho đứa bé". Ngày xưa nhà ông Châu có chiếc máy khâu, bà Thu vợ ông thường khâu vá quần áo cho đám trẻ của cả hai nhà. Đến bây giờ, Lưu Minh Vũ vẫn gọi ông là bố như thời niên thiếu.

Ông Châu say sưa kể về những kỷ niệm khi hai người đi dựng vở chung. Nhiều nhân vật trong kịch Lưu Quang Vũ là do Doãn Châu cung cấp ý tưởng. Chẳng hạn, nhân vật trong vở kịch "Đôi dòng sữa mẹ" xuất phát từ một lần ông Châu ngồi trong phòng chờ sân bay Tân Sơn Nhất, đọc được mẩu tin trên tờ giấy báo nhầu nát gói bánh mỳ về một đứa trẻ lai.

Vở kịch ấy sau được ông Nguyễn Ngọc Phương (Nhà hát cải lương) dựng thành sườn kịch, ông Vũ chắp bút. Và cuối cùng, tên tác giả vở kịch được lấy là Nguyễn Đỗ Lưu (Nguyễn Ngọc Phương - Đỗ Doãn Châu - Lưu Quang Vũ).

Hoặc một lần ông Châu đi biểu diễn ở Thanh Hoá, gặp một tình huống: Một xã nọ tổ chức đấm bốc, thay vì mang võ sĩ ra thi đấu thì cho ông phó cối lên đấm, với lý do ông này khoẻ. Sau trọng tài phải dừng trận đấu, cảnh cáo xã vì tay phó cối không có tí nhà nghề nào. Hình mẫu ấy sau trở thành nhân vật võ sĩ Đại Dương trong vở "Bệnh sĩ".

Nhạc sĩ Phó Đức Phương kể rằng, trải nghiệm qua thời gian, càng ngày ông càng thấy sự tài hoa của Lưu Quang Vũ trong những vở kịch. Ông Phương khẳng định: "Lưu Quang Vũ là một hiện tượng, một tài năng hiếm hoi. Ở Vũ kết tinh được nhiều yếu tố: thông minh, uyên bác và những rung cảm với cuộc sống. Hai người ra đi là một tổn thất rất lớn, cho tới tận bây giờ".

Ông Phương kể lại rằng, những năm cuối cùng của vợ chồng Quỳnh - Vũ, ông Phương thỉnh thoảng lui đến nhà chơi. "Nhưng tôi đã thấy những bóng mây đen u ám trên bầu trời tình cảm của hai người. Dường như có điều gì gần như định mệnh khắc nghiệt, báo trước những điềm không lành"- ông Phương nói.

Rất nhiều nước mắt!

Mặc dù luôn bận rộn với cả núi công việc, nhưng khi được đề nghị, NSND Phạm Thị Thành đã lập tức sắp xếp công việc để gặp chúng tôi, để bà "nói vài lời về Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ".

Trong số hơn 50 vở kịch của Lưu Quang Vũ thì bà Thành làm đạo diễn trên 20 vở. Trong lần đầu tiên Nhà hát Tuổi trẻ ra mắt công chúng, "liên danh" Lưu Quang Vũ - Phạm Thị Thành - Đào Duy Kỳ đã dựng vở "Ông Nhỏ" (sau là "Sống mãi tuổi 17" - PV). Vở kịch (Sau này đạt giải Nhất hội diễn sân khấu 1980) nói về cuộc đời Lý Tự Trọng, là biểu tượng của tuổi trẻ. Buổi ra mắt đầy ý nghĩa ấy trở thành tiền đề cho tên tuổi Nhà hát Tuổi trẻ bây giờ.

NSND Phạm Thị Thành nhớ lại: "Khi nhận được tin về vụ tai nạn, tôi không tin vào tai mình. Cách đấy mấy hôm, tôi còn gặp Vũ, chúng tôi đang làm dở một vở khác theo "đơn đặt hàng" của anh Chu Thơm ở Tổng cục Chính trị. Tôi lật đật lên nhà Doãn Châu, mới đến sân thì gặp anh Nguyễn Đình Nghi. Anh Nghi nói: "Vợ chồng Vũ đã đưa vào nhà xác rồi".

Tôi choáng váng và ngã ngất. Tỉnh dậy, mọi người đưa ra 51 Trần Hưng Đạo (Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam). Ở đó đã có rất đông anh chị em đứng chờ, rồi tất cả chúng tôi cùng đến Bệnh viện Việt Đức. Lúc đó, ông Đình Quang, Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin đề nghị đưa sang nhà lạnh BV Việt Xô".

Đám ma đưa tiễn ba người đông kín đặc đường Bà Triệu, Phố Huế... chậm rãi đi trong niềm xót thương... Có cảm giác như cả Hà Nội rủ khăn tang.

***

Đi tìm lại tư liệu về những ngày cuối cùng của vợ chồng Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, chúng tôi lại thêm một lần được được nghe những nhân chứng lịch sử nói về tài năng của họ. Loạt bài này như một nén nhang của kẻ hậu thế cúi đầu trước vợ chồng nhà nghệ sĩ tài danh yểu mệnh đất Hà thành.

Lê Bảo Trung


Friday, May 27, 2022

Ngược dòng lịch sử với chiếc Zeiss-Ikon Contessa 533/24

 

Ngược dòng lịch sử với chiếc Zeiss-Ikon Contessa 533/24


Sau Đệ Nhị Thế chiến, Zeiss-Ikon Dresden bị chia nhỏ thành hai công ty khác nhau, một tọa lạc tại Stuggart Tây Đức và một ở Dresden Đông Đức. Một thỏa thuận giữa quân Đồng Minh và Soviet tiếp quản các cơ sở tương ứng cho phép cả hai công ty được dùng thương hiệu Zeiss-Ikon. Tuy nhiên tranh chấp về thương quyền liên tiếp xảy ra sau đó. Không lâu sau chiến tranh, công ty ở Tây Đức đổi tên thành Zeiss-Opton Optische Werke Oberkochen GmbH trong một thời gian ngắn tước khi trở lại tên cũ Zeiss-Ikon sau khi chuyển về Stuggart.

Những năm cuối của thập niên 1940, Đức vẫn chịu sự tàn phá nặng nề của chiến tranh. Thời đó nền kinh tế Đức không được kính trọng như bây giờ tuy nhiên về mảng thiết bị quang học và máy ảnh Đức thì nằm ngoài nhận định này. Lính quân Đồng Minh trân quý những chiếc máy ảnh Đức như là món quà lưu niệm đắt giá vậy, và ngay sau đó nhu cầu về máy ảnh Đức càng tăng cao.

Nhà máy Contessa-Nettel tại Sutggart được Zeiss mua sau thương vụ sát nhập từ năm 1926, đã bị phá hủy một phần lớn sau chiến tranh. Nhà máy này là cơ sở duy nhất không bị quân Soviet kiểm soát và đương nhiên được chọn làm cứ điểm để hồi phục đại bản doanh Zeiss Tây Đức. Nhà máy Contessa là nhà máy nhỏ nhất và có ít nhân sự nhất trong số bốn cơ sở chính của Zeiss-Ikon trước chiến tranh.

An artist’s drawing of the Zeiss Contessa factory in Stuttgart.  The buildings with the peaked roofs are part of the original factory, and the flat roof buildings were constructed in the 1950s.

Trong những năm đầu thời kỳ hậu chiến, toàn bộ sản phẩm từ nhà máy Stuggart đều được bàn giao cho quân đội Mỹ và bán ở chuỗi bán lẽ PX của quân đội. Vì quy mô bé nên sản xuất không đáp ứng đủ nhu cầu cho đến  đến khoảng 1951 sau khi mở rộng nhà máy thêm một vài công xưởng thì công suất sản xuất mới tăng lên.

Trước chiến tranh, hầu hết công việc thiết kế của Zeiss-Ikon được thực hiện tại nhà máy Dresden và chính nơi đây đã sản xuất ra phần lớn các máy ảnh mới. Nhà máy ở Stuttgart đã sản xuất hầu hết các máy ảnh nhỏ gọn của Zeiss như dòng Ikonta và Nettar, vì vậy đó là những mẫu máy ảnh này được chọn đầu tiên để nối lại sản xuất. Ngay sau khi tiếp tục sản xuất các mẫu máy ảnh này, Zeiss-Ikon đã tìm cách phục hồi danh tiếng của thương hiệu Zeiss bằng cách phát hành một loạt máy ảnh 35mm nhỏ gọn mới được thiết kế bởi nhà thiết kế nổi tiếng Hubert Nerwin. Nerwin  là nhân viên của Zeiss từ trước chiến tranh và được ghi nhận vì một số thiết kế thành công nhất của thương hiệu, bao gồm những chiếc Rangefinder Contax II và III, Contaflex SLR, Super Nettel và máy compact Tenax.

Trong chiến tranh, Nerwin đã tập trung để phục vụ quân đội Đức và điều chỉnh một số máy ảnh Zeiss hiện có để có thể sử dụng cho việc chụp ảnh chiến trường. Rõ ràng trước chiến tranh rằng các máy ảnh 35mm nhỏ gọn như Leica và Contax sẽ tiếp tục nổi tiếng và sẽ là tương lai của công ty, vì vậy trong thời gian rảnh rỗi, Nerwin đã suy nghĩ thêm một số nguyên mẫu 35mm nhỏ gọn mới. Đáng tiếc, tất cả các nguyên mẫu thời chiến của ông đều bị phá hủy trong vụ đánh bom Dresden, nhưng có lẽ những ý tưởng mà ông có trong đầu trong thời kỳ đó được sử dụng sau này để phát triển hoàn thiện tiếp ở Stuttgart.

Một thời gian ngắn trước khi chiến tranh kết thúc, khi rõ ràng là nước Đức đang thua, Nerwin đã bỏ trốn khỏi Đức và đưa gia đình trở về Áo, nơi ông sinh sống ban đầu, và chạy trốn phần còn lại của cuộc chiến. Sau chiến tranh, ông đến Stuttgart, nơi ông hy vọng sẽ tái gia nhập Zeiss-Ikon và tiếp tục công việc của mình ở đó. Khi Nerwin đến nhà máy Contessa, ban đầu ông bị người Pháp quay lưng lại trong thời gian chiếm đóng ngắn ngủ, nhưng khi người Mỹ tiếp quản, ông được chào đón và đặt vào một vị trí mà ông có thể giúp xây dựng lại danh tiếng của Zeiss- Ikon. Điều quan trọng đối với Zeiss-Ikon là phải đưa vào sản xuất các mẫu 35mm mới, nhưng những chiếc Rangefinder Contax quá phức tạp để nhà máy nhỏ ở Stuttgart có thể kham nổi nên họ phải nghĩ ra một thứ khác. Hubert Nerwin sẽ chỉ làm việc ở Stuttgart trong 2 năm, nhưng trong thời gian đó, ông đã đưa vào sản xuất ba chiếc máy ảnh 35mm nhỏ gọn khác nhau dựa trên nguyên mẫu mà ông đã phát triển ở Dresden trong chiến tranh. Ông và gia đình rời Đức vào năm 1947 để đến Rochester, NY Hoa Kỳ, nơi ông sẽ làm việc cho Kodak và Graflex những năm tháng sau này.

Mẫu máy ảnh đầu tiên của Nerwin được sản xuất là Ikonta 35, một chiếc máy ảnh 135 Zone-focus nhỏ gọn đơn giản nhưng thanh lịch. Sau khi Ikonta 35 được đưa vào sản xuất, một biến thể của máy ảnh đó với một hệ máy đo khoảng cách (không đồng bộ với focus) được phát hành có tên là Contina. Có cùng hình dạng cơ bản và cửa trước có bản lề phía dưới, Contina vẫn khá nhỏ gọn và rẻ tiền so với các máy Rangefinder 35mm khác của như Contax của Zeiss-Ikon hay của Leica của Leitz. Ngay sau khi phát hành cả Ikonta 35 và Contina, hai chiếc máy ảnh này đã được đổi tên, Ikonta 35 trở thành Contina I và Contina trở thành Contina II. Trong khi cả máy ảnh Ikonta 35 và máy ảnh Contina đều là máy ảnh được chế tạo tốt, Nerwin đã có ý tưởng về một máy Rangefinder 35mm nhỏ gọn hàng đầu để cạnh tranh với các máy ảnh tốt nhất lúc bấy giờ, cụ thể là Kodak Retina được chế tạo gần đó ở Stuttgart tại Nhà máy Kodak Nagel-Werke. Máy ảnh mới này vẫn phải nhỏ và có thể bỏ túi, nhưng có chất lượng quang học và cấu tạo tốt nhất mà công ty có khả năng cạnh tranh trực tiếp với Retina và các mẫu do Leitz và các công ty khác phát hành.

Chiếc máy ảnh đỉnh cao đó được đặt tên từ nhà máy Contessa-Nettel cũ, nơi nó được sản xuất. Contessa 35 được phát hành vào năm 1950, ba năm sau khi Hubert Nerwin rời Đức đến Mỹ. Chiếc máy ảnh này, mặc dù được coi là thành công nhưng doanh số bán ra khá khiêm tốn. Theo Hiệp hội lịch sử Zeiss, giá niêm yết của nó vào tháng 5 năm 1950 là $188 và tăng lên $214 vào tháng 10 năm 1952, trước khi giảm xuống còn $142 vào tháng 4 năm 1954. Những mức giá này khi được điều chỉnh theo lạm phát tương ứng với mức tương ứng là $1975, $1995, và $ 1319 ngày nay.

Contessa 35 được sản xuất cho đến năm 1955 và chỉ có một lần sửa đổi vào năm 1953, với màn trập Synchro-Compur cải tiến với cả đồng bộ flash M và X. Sau khi nó bị ngừng sản xuất, Zeiss một lần nữa sẽ sử dụng tên “Contessa” sản xuất từ năm 1960 với một dòng máy ảnh 35mm khác nhưng đấy là một chiếc máy ảnh không hề liên quan gì (Conessa LKE).

Không có số liệu cụ thể về số lượng máy Contessa đã sản xuất nhưng có lẽ là không cao lắm, nó chưa bao giờ đạt đến sự phổ biến như chiếc Kodak Retina đối thủ mà nó nhắm tới. Có lẽ phần lớn nguyên nhân là do khâu phân phối, khi mà Retina có hẳn một công ty danh tiếng đằng sau phân phối qua mạng lưới bán hàng lớn.

Ngày nay, Zeiss-Ikon Contessa 35 vẫn là một chiếc máy ảnh rất phổ biến đối với các nhà sưu tập. Giá của những món này trong tình trạng tốt có thể lên tới vài trăm đô la. Tuy nhiên, chúng là những chiếc máy ảnh được chế tạo chính xác và phức tạp, vì vậy nếu bạn gặp phải một chiếc máy không hoàn hảo, hãy cân nhắc vì chúng sẽ khá khó khăn và tốn kém để sửa chữa. Cách tốt hơn là nhập hội Contessa đóng bản doanh tại Mỹ ĐÌnh có khi bạn lại vớ được món hời lại còn được chia sẻ chém gió cà phê giao lưu. Thân! #buyfilmshootfilm  

Biên dịch & Tham khảo từ nguồn: Zeiss-Ikon Contessa 35 (1950) - mike eckman dot com

Saturday, May 21, 2022

Zeiss Ikon Contessa (533/24), viên ngọc quý ẩn mình

 

Zeiss Ikon Contessa (533/24), viên ngọc quý ẩn mình



Tôi biết đến những chiếc rangefinder folding tầm khoảng 1 năm trước do anh Quang giới thiệu. Hồi đấy anh đang đắm mình trong thế giới của Agfa Karat nên theo lời khuyên của anh tôi đã mua ngay 1 chiếc Agfa Karat 36 kính Rodenstock Heligon 50/2.0. Tất nhiên chiếc máy này là siêu phẩm đúng như mọi người đã ca ngợi. Cũng vẫn anh Quang, sau 1 năm anh lại hướng dẫn tôi vào 1 siêu phẩm khác lần này là chiếc Zeiss Ikon Contessa với ống kính Tessar Opton T 45/2.8. Tôi không còn cách nào khác là mua ngay cho mình một chiếc và lần này tôi đã bị bỏ bùa thật sự.

Điều làm nên chiếc máy ảnh Contessa này là độ tinh xảo của chế tác thủ công ở mức cực cao, theo ý kiến cá nhân là tốt hơn nhiều so với chiếc Kodak Retina IIIC đắt tiền hơn trong thời đó. Nếu như Leica M theo đuổi triết lý thiết kế phẳng, ít chi tiết mà tôi nghĩ là có ảnh hưởng của trường phái Bauhaus thì chiếc Contessa lại mang hơi hướng Art Deco.  Chiếc kính ngắm hỗ trợ lấy nét ở phía ngoài cực kỳ duyên dáng, nó làm tôi liên tưởng đến con mắt để nhìn ra thế giới vậy.

Những bức ảnh thực sự không thể hiện hết vẻ đẹp của chiếc 533/24 phải nhìn trực tiếp để đánh giá cao chất lượng hoàn thiện của nó. Hãy cẩn thận vì sau đó bạn có thể xuống tiền để tậu 1 chiếc cho mình. Contessa được hoàn thiện một cách tuyệt vời và được chế tạo tốt hơn mức cần thiết, một sản phẩm đáng tự hào của Zeiss. Kể cả theo tiêu chuẩn hiện nay ống kính 45 / 2.8 Zeiss Ikon Tessar của Contessa vẫn là một thể hiện xuất sắc. (Chỉ duy nhất 1 điểm trừ là các bạn nên quên đi đo sáng tích hợp sẵn, ngay cả khi nó hoạt động. Selenium cell sau từng ấy thời gian không còn đủ độ tin cậy, chỉ cần xài 1 app trên iPhone là đủ tốt rồi). 

Về cấu tạo bên trong, cả cỗ máy là một khối đồng thau, chrome và tất nhiên cả kính nữa. Máy được chế tạo theo kiểu dáng “folding”, Contessa có thể gấp lại một cách nhỏ gọn. Nếu bạn là người theo hệ manual “thuần thủ công toàn toàn” thì đây là chiếc máy dành cho bạn. Mở camera bằng cách kéo núm trên cửa trước xuống. Đóng camera bằng cách bóp nhẹ vào 2 bản lề và đẩy nhẹ vào khi đó cơ chế lẫy 1 chiều sẽ tự khóa máy. Mở back film bằng cách kéo chốt bên cạnh trái xuống dưới rồi lắp film như bình thường. Bộ đếm phim bố trí ở mặt đáy bạn nhớ quay về vị trí mỗi khi lắp film. Các kỹ sư đã quá cẩn thận khi thiết kế để máy không thể bị chồng film, cụ thể là bạn phải lên film trước thì shutter mới nhảy. Cũng vì lí do này nên nếu không có film trong máy thì bạn không thể lên cò được. (Tôi để 1 cuộn film hỏng trong máy để tua đi bấm lại cho vui tay).

Sau khi lên film, bạn phải lên cò bằng cách gạt lẫy bé bên phải lên phía trên rồi bấm cò bằng cách gạt lẫy to xuống dưới. Mô tả có vẻ cầu kỳ nhưng thực tế sử dụng thì chỉ trong một hành trình di chuyển của ngón trỏ. 3 vòng chỉnh khẩu, tốc và focus đều xoay quanh ống kính. QUAN TRỌNG: CHỈ thay đổi tốc độ đến 1/500 trước khi lên cò màn trập được đặt. Để tua lại phim, ấn vào bên trong nút giữa của núm lên phim (bên trái), trong khi xoay núm tua lại phim (bên phải), có mũi tên chỉ dẫn bạn nhớ quay đúng chiều.

Khung ngắm RF / VF rất tốt cho thời đó, nhưng khá nhỏ so với các tiêu chuẩn ngày nay. Không có hiển thị khung hình trong VF và còn chưa kể đến hiệu chỉnh thị sai cũng thiếu, các bạn nên luyện tập để có thể dự đoán chuẩn khung hình được chụp. Tuy nhiên, điều làm tôi ngạc nhiên là độ sắc nét của điểm vàng, nó rất sáng và sắc sảo nếu so với Leica thì cũng đến mức 85%. Nếu các bạn đã đọc đến đây rồi, còn chần chờ gì nữa mà không sắm ngay cho mình một chiếc Zeiss Ikon Contessa (533/24). #BUYFILMSHOOTFILM chờ bạn gia nhập hội Opton nhé.

(Bài viết có tham khảo thông tin từ nguồn https://www.cameraquest.com/contessa.htm )









Thursday, March 31, 2022

KÍNH LỌC MÀU SỬ DỤNG CHO FILM ĐEN TRẮNG

KÍNH LỌC MÀU SỬ DỤNG CHO FILM ĐEN TRẮNG

Chắc hẳn các bạn đã từng thấy các nhiếp ảnh gia dùng những miếng kính màu gắn lên ống kính của họ trong các tình huống nhất định. Đã bao giờ các bạn thắc mắc tác dụng của chúng là gì chưa? Bài này sẽ giải đáp phần nào các câu hỏi đó theo hướng đơn giản và mang tính thực hành nhất. Các bộ lọc cơ bản dùng cho film đen trắng là màu đỏ, cam/vàng, xanh lá cây, xanh lam. Lưu ý: Bài này không bàn đến các kính lọc cho film màu, ND, GND hay các loại đặc biệt khác.

Màu đỏ (Wratten 25) làm cho hầu hết các bầu trời trở nên ấn tượng, làm cho làn da phụ nữ sáng và mịn hơn và nó che đi vết tàn nhang. Bộ lọc màu đỏ làm đậm màu xanh lá cây (lá, cỏ) và xanh lam (bầu trời, nước), nhưng làm sáng màu trắng và ấm hơn như mây và người. Tôi thường dùng bộ lọc màu đỏ khi chụp phim đen trắng panchromatic  trong ánh sáng ban ngày nếu tôi muốn có một cái nhìn tương phản, ấn tượng. Một bộ lọc màu đỏ này làm giảm ánh sáng 3 stops trong điều kiện ánh sáng ban ngày.


Màu da cam và màu vàng (# 9, 12, 15 hoặc 16) tương tự như màu đỏ, nhưng chúng làm sẫm các tán lá màu xanh lá cây ít hơn nhiều (ngoại trừ phim hồng ngoại, lúc này chúng làm đậm màu xanh lá cây hơn.) Kính lọc da cam gia tăng một chút tương phản rất tự nhiên dưới ánh sáng mặt trời. Dưới ánh sáng đèn sợi đốt (bao gồm cả đèn chiếu sáng trong studio), bộ lọc màu vàng tăng thêm độ sáng cho da, đồng thời làm giảm hầu hết các màu khác. Tôi thường sử dụng bộ lọc màu vàng đậm (# 9 hoặc 12) để chụp chân dung nữ tính. Filter vàng giảm ánh sáng 1 stop, trong khi filter màu cam cắt một điểm rưỡi thành hai điểm dừng.


Màu xanh lá cây (# 58 hoặc 61) sẽ làm sạm da, đặc biệt là da hồng hào, nam tính. Nó sẽ làm sáng (nhưng không đáng kể) tán lá và để lại bầu trời và nước trông bình thường. Bộ lọc màu xanh lá cây không nên được sử dụng cho các bức chân dung nữ tính, vì nó sẽ làm nổi bật các vết mờ, quầng mắt, nếp nhăn và vết thâm. Với nam giới, những tính năng này thêm "độ cá tính", vì vậy hãy sử dụng cho những bức ảnh có khuôn mặt nhăn nhó của những ông già. Hoặc của những người đàn ông đi làm, hoặc của bất kỳ ai có làn da bạn muốn trông đen hơn. Fiilter green giảm ánh sáng 1-2 stops.

Màu xanh lam là một bộ lọc hiệu ứng đặc biệt. Nó bổ tăng thêm hiệu ứng khói, sương mù và các hiệu ứng khí quyển khác, tăng theo độ ẩm! Nó tạo ra các hạt da, vết nám và vết lốm đốm mà bình thường không nhìn thấy - nó tạo ra những thây ma từ ngay cả những người đẹp nhất. Khi chụp phong cảnh, nó tăng thêm độ tương phản khủng khiếp, bầu trời chuyển sang màu trắng, biển trông có bọt và bụi cây / cây cối trở thành bóng. Nếu bạn yêu thích thái cực hậu hiện đại, thì đây là bộ lọc dành cho bạn! Giảm 4 stops ánh sáng, tùy theo hiệu ứng và điều kiện ánh sáng.


Ví dụ minh họa khi sử dụng filter đỏ và UV

Bài viết do Trung Nguyễn biên tập lại dựa trên các nguồn tham khảo online. 

Tuesday, January 12, 2021

MÀU CHUẨN CỦA FILM

MÀU CHUẨN CỦA FILM (khi số hóa âm bản film)

Ai chụp film màu chắc hẳn đã từng thắc mắc: màu film thế nào là chuẩn? Cá biệt hơn nhiều bạn còn tranh luận nảy lửa vấn đề thế nào là màu gốc của film.
Nếu bạn không thích đọc dài dòng thì câu trả lời ngắn gọn là: KHÔNG CÓ MÀU CHUẨN CỦA FILM (ÂM BẢN) KHI SỐ HOÁ FILM.



Dài dòng hơn thì đây là giải thích của Kodak trong tài liệu kỹ thuật của họ:
Do không có tiêu chuẩn nào để xác định các bộ lọc màu mà máy quét phim sử dụng để ghi lại thông tin màu đỏ, xanh lục và xanh lam của hình ảnh phim, mỗi máy quét của nhà sản xuất có một đầu ra đặc trưng riêng. Đầu ra phụ thuộc vào độ nhạy quét của máy quét đối với thuốc nhuộm trong phim. Độ nhạy này được xác định bởi phân bố quang phổ của các bộ lọc màu và / hoặc độ nhạy phổ của thiết bị CCD (charge-coupled- device). Ngoài ra, các thông số kỹ thuật quang phổ này, đầu ra của máy quét phụ thuộc vào các look-up tables hoặc ma trận mà máy quét sử dụng để xuất thông tin hình ảnh. Những ma trận này là một phần của chương trình "plug-in" dùng trong phần mềm được thiết kế để xử lý hình ảnh, hay ROM có thể cập nhật đi kèm với thiết bị hoặc thuật toán cố định để hiệu chỉnh và cân bằng, tương tự như các thiết bị được sử dụng trong thiết bị in màu chụp ảnh.
Việc chỉ định profile phim màu âm bản tổng quát có sẵn với phần mềm máy quét chỉ là điểm khởi đầu. Bạn có thể điều chỉnh cân bằng màu, độ tương phản và độ sáng phụ thuộc ý thích của bạn bằng cách sử dụng các điều khiển quét của máy quét trong quá trình quét; hoặc bằng cách sử dụng chương trình phần mềm xử lý ảnh sau này.
Một số máy quét cho phép bạn sử dụng các chương trình Plug-in để thực hiện hiệu chỉnh dựa trên D-min của dilm. Do các loại phim âm bản màu khác nhau có colored-coupler masks khác nhau, nên cân bằng D-min tối ưu là khác nhau đối với từng loại phim. Do đó, để có kết quả tốt nhất, hãy thiết lập một profile cụ thể cho từng loại phim bạn đang quét.