Friday, August 27, 2010

Leica M sống mãi - một lời tri ân đến Walter Kluck


Thời kỳ hoàng kim của Leica ở Midlands (Ontario) cuối những năm 50. Trái qua phải: Walter Kluck (Ban tiếp thị), Walter Mandler (Ban nghiên cứu và phát triển) và Walter Bauer (Ban sản xuất) © Leica Archives


Bài này được viết bởi Rolf Fricke, một nhiếp ảnh gia và nhà nghiên cứu Leica. Một trong nhiều thành tựu của ông, một trong những sáng lập viên của LHSA (Leica Historical Society of America). ©1997 Rolf Fricke, mọi quyền được bảo lưu.

LEICA M SỐNG MÃI!

Một lời tri ân đến Walter Kluck, 1922-1996 

Oskar Barnack sáng tạo nên máy ảnh Leica vào năm 1914. Ernst Leitz II đưa nó ra thị trường vào năm 1925. Ludwig Leitz và Willi Stein nâng cấp nó với chiếc Leica M3 vào năm 1954. Walter Kluck đã cứu dòng Leica M khỏi sự diệt vong vào năm 1976. Chính bởi vì Walter Kluck mà máy ảnh Leica-M mới có thể sống và sống khỏe ngày nay.

Máy ảnh Leica M rangefinder phát triển hưng thịnh cho đến những năm 70 của thế kỷ trước, khi mà những nhà sản xuất máy ảnh SLR (phản xạ một ống kính) Nhật Bản chiếm lĩnh thị trường, vì vậy mà nhu cầu máy ảnh rangefinder giảm hẳn. Số lượng sản xuất ít cộng với chi phí sản xuất cao khiến cho việc sản xuất máy ảnh rangefinder Leica tại thị trấn Wetzlar, Đức, ngôi nhà truyền thống của Leica, trở nên không kinh tế. Điều này dẫn đến một quyết định đau lòng là dừng sản xuất máy ảnh Leica rangefinder, chỉ giữ lại mỗi dòng máy Leicaflex. Sự kết thúc của dòng máy ảnh dòng M tại Wetzlar có thể đã là một phát súng châm ngòi cho sự kết thúc của ống kính dòng M sản xuất tại Midland.

Quyết định này suýt nữa thì đã được thi hành khi Walter Kluck, chủ tịch của Ernst Leitz Canada Limited, sôi nổi chuẩn bị cho sự chuyển giao sản xuất máy ảnh Leica M4 sang Canada. Ống kính Leica M chiếm một phần lớn trong hoạt động kinh doanh của Leitz Canada, và sự kết thúc sản xuất nó cũng đồng nghĩa với công ty sẽ gặp những khó khăn khủng khiếp. Việc chế tạo các sản phẩm quang học khác vẫn quá nhỏ để bù đắp được việc dừng sản xuất ống kính dòng M.

Bên cạnh đó, Kluck là một người thân tính của Leitz, và ông tin tưởng vững chắc vào hệ Leica M. Ông cũng quan tâm sâu sắc đến việc bảo vệ các việc làm tại nhà máy Midland, vì vậy ông ấy hành động như là một nhà quản lý dũng cảm, dám đương đầu trong tình thế như vậy -  ông đã được tôi luyện từ trước.

Nghiên cứu của Kluck đã chỉ ra rằng giá nhân công lao động sẽ hiệu quả hơn nếu di chuyển dây chuyền sản xuất máy ảnh Leica M sang Canada. Nhưng ban quả lý của Leitz Wetzlar, vốn nổi tiếng với thái độ bảo thủ, đã hoài nghi và đề nghị một phương án phòng hờ: họ sẽ chấp nhận nếu Kluck có thể chứng minh rằng ông có thể bán ít nhất 4000 máy một năm. Vì vậy, quý ông duyên dáng và giàu sức thuyết phục Kluck đã lên tàu trong một chuyến vi hành nhanh đến các nhà phân phối máy ảnh ở Canada, Mỹ, Đức, Thụy Sĩ và Nhật Bản (Nhật Bản là một hậu phương lớn thời bấy giờ!) để hỏi họ xem họ có thể mua bao nhiêu máy ảnh Leica M4 sản xuất ở Canada với một mức giá định trước. Với một sự ngạc nhiên sung sướng, đã có đến hơn 9000 đơn đặt hàng – và việc chuyển dây chuyền sản xuất Leica M4 sang Canada đã được cấp phép thông hành.

Kết quả là chiếc máy Leica M4-2 sản xuất tại Canada được giới thiệu vào năm 1976. Về cơ bản giống chiếc Leica M4 sản xuất tại Đức, nó có thêm một vài tính năng như hot-shoe cho việc đồng  bộ flash thuận tiện hơn và khả năng kết nối với một motor winder.

Nó được tiếp nối vào năm 1980 bởi chiếc Leica M4-P, bây giờ với 6 khung ngắm sáng (thay vì 4) cho các tiêu cự ở viewfinder (2 cùng 1 lúc) và được kích hoạt tự động khi ống kính tương ứng được gắn vào máy ảnh.
Trong lúc đấy, giá thành sản xuất tại Canada dần dần tăng lên vào tỉ giá Dollar/Mark trở nên kém thuận lợi, vì thế model tiếp theo, được phát triển với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Water Kluck với mong muốn sản xuất nó ở Canada, cuối cùng được sản xuất lại ở Đức. Model mới đấy, chiếc Leica M6, được giới thiệu vào năm 1984 và ngày nay vẫn tỏa sáng, sau 14 năm với nhiều cải tiến bên trong và những khác biệt thú vị về ngoại hình (chrome đen, chrome bạc, titanium, vàng, platinum, và thậm chí bản nạm kim cương cho Vua dầu mỏ Brunei). Đó là một ghi nhận lớn cho tầm nhìn và sự bền bỉ của Water Kluck rằng dòng máy ảnh Leica M quá đỗi thành công ngày hôm nay. Hệ quả là, sự sinh tồn của một phần lớn trong việc kinh doanh ngày nay của Leica Camera AG of Germany và con số việc làm tốt của nó mắc nợ Walter Kluck.

Nhưng, ai là Walter Kluck? Xem xét lại tiểu sử của Ông Kluck, có thể thấy nổi bật rằng ông là một người năng động tận hưởng một cuộc đời đầy những sự kiện lớn, một người có khả năng bẩm sinh để chiến thắng những khó khăn và là một người đã cống hiến phần lớn thời gian và công sức cho các dự án cộng đồng ở đất nước Canada mà ông coi như đất mẹ.

Walter Gerhard Kluck sinh ra ở Berlin vào 22 tháng 8 năm 1922. Ông học cấp 3 ở đấy và học về cơ khí chính xác và truyền thông radio tại Gauss Engineering College. Trước khi ra trường, ông phục vụ quân dịch với tư cách là một hướng dẫn viên cho phát thanh truyền thông và định hướng tại căn cứ không quân Đức ở Lyon, thuộc nước Pháp bị chiếm đóng lúc bấy giờ. Cuối cùng thì căn cứ đấy và toàn bộ phi cơ đã bị phá hủy trong một cuộc tập kích của quân đồng minh. Walter Kluck sống sót nguyên vẹn và được chuyển đến một căn cứ bộ binh gần Danzig (giờ là Gdansk) ở biên giới bờ Đông. Tại đấy ông bị dính một mảnh đạn ở cổ và sau một chuyến đi biển khổ ải, ông được chuyển đến một bệnh viện ở Berlin để chữa trị. Bệnh viện này gửi ông đến một bệnh viện khác để chụp X quang và khi ông trở về, nó đã bị phá hủy hoàn toàn với nhiều thương vong từ một cuộc không kích khác. Suốt những ngày ở Berlin đó, ông đã có cuộc đoàn tụ đầy cảm động với cha mẹ, những người đã được báo tin ông bị mất tích trong chiến dịch. Kluck được đưa trở lại biên giới phía Đông và ông đã chứng kiến chiến sự ở Nga, Ba Lan và Tiệp Khắc. Những ngày cuối cùng của cuộc chiến, ông làm việc trong thời gian ngắn cho phía Mỹ . Ông trở thành tù nhân chiến tranh trong một trại ở Mỹ, nơi ông làm phiên dịch, tài xế và điều khiển bảng mạch. Ông được thả với một vị trí tốt vào tháng 8 năm 1945, được cung cấp thức ăn và áo quần và thậm chí còn được đưa đến Fechenheim gần Frankfurt. May mắn bẩm sinh, chỉ sau một ngày – cái ngày duy nhất mà trong suốt cuộc đời ông bị thất nghiệp, như ông đã từng tự hào tuyên bố - ông tìm thấy một công việc làm thông dịch cho những người quản lý hành chính người Mỹ của công ty I.G. Farben Cassella.

Vào đầu năm 1946 ông gặp Lilli, người sao này là vợ ông, tại một buổi khiêu vũ. Chính bà đã chứng kiến những điều man rợ khi còn làm y tá trong quân đội Đức ở biên giới Nga và sau đó làm việc như là một tù nhân chiến tranh ở một bệnh viện quân đội của Nga. Họ cưới nhau vào tháng 4 năm 1950.

Công việc ở nhà máy Casella trở nên khá nhàm chán và Kluck một lần nữa may mắn khi tìm công việc vào cuối năm 1946, lần này tại Frankfurt Barter Center, một trong vài trung tâm tương tự được thành lập bởi những tác động nghề nghiệp nhằm chống lại thị trường chợ đen và điều hành lưu thông sự trao đổi tất cả các loại hang hóa, kể cả nhu yếu thực phẩm và quần áo. Bất kỳ ai có thể mang bất kỳ cái gì, nâng giá nó lên ở khía cạnh “hàng đổi hàng” với tỉ giá bằng hoặc cao hơn ở chợ đen, và sao đó có thể đem dùng để mua những thứ cần thiết.

Đây chính là thời điểm mấu chốt trong cuộc đời của Walter Kluck, bởi vì Günther Leitz, một trong ba anh em nhà Leitz quản lý công ty gia đình Ernst Leitz GmbH Wetzlar, đến công ty vào một ngày năm 1947 với một số thiết bị Leica, nhằm trao đổi nó để lấy một cái tủ lạnh và vài thứ khác. Kluck tình cờ là người giao dịch, và ông Leitz quá ấn tượng với người thanh niên trẻ tuổi hoạt bát đến nổi đã đưa ra đề nghị tuyển anh ta vào làm ở Leitz Wetzlar. Chắc hẳn là ông đã gây ấn tượng tốt, bởi vì chỉ một năm sau đấy, vào năm 1948, ông được tin tưởng giao cho việc thiết lập Saaroptico, một nhà máy sản xuất Leitz nhỏ đặt tại vùng Saar, sau đấy dưới sự quản trị của người Pháp, ở đấy ông làm việc đến 1952. Nhà máy này lắp ráp và nâng cấp máy ảnh Leica đuôi vặn (“Monté en Sarre”) và nó sản xuất Leitz table tripods, đầu ball-and-socket và ống kính máy chiếu Saron cho máy chiếu Bolex.

Chiến tranh lạnh xảy ra vào năm 1951, đối mặt với khả năng đáng lo ngoại là những người Soviet có thể ập đến ngay trước của nhà chỉ trong vòng nữa giờ đồng hồ, ban quản lý Leitz đã bắt đầu tìm kiếm một khu đất cho chi nhánh con của công ty ở một đất nước khác. Canada đã được chọn, và một lần nữa kỹ năng ngôn ngữ thành thạo của Walter Kluck cực kỳ có ích khi ông được yêu cầu phục vụ trong nhóm mà cuối cùng chọn Midland từ ba vị trí cạnh tranh khác. Công cuộc xây dựng nhà máy Ernst Leitz Canada Limited bắt đầu vào năm 1952, và Walter Kluck chuyển đến đấy cùng gia đình ông, cùng với một nhóm nhỏ thợ cơ khí và quang học từ Leitz. Ông phục vụ với tư cách quản lý bán hàng và trợ lý cho Günther Leitz, chủ tịch đầu tiên của cơ sở này. Sau này Water Kluck được chỉ định làm phó chủ tịch và là thành viên của hội đồng quản trị. Tháng 1 năm 1975 ông là tổng giám đốc và vào mùa hè cùng năm ông được bổ nhiệm làm chủ tịch (CEO) của chi nhánh Leitz Canada. Khả năm am hiểu kỹ thuật của Kluck cộng với cá tính hướng ngoại là một sự kết hợp hoàn hảo cho nhiệm vụ gây dựng kinh doanh cho nhà máy và các đơn đặt hàng từ chính phủ,  quân sự và thương mại tăng trưởng rất tốt. Đấy là thời điểm mà khi Leitz Canada, với sự trợ giúp của đội ngũ thiết kế siêu việt đã phát triển và sản xuất nhiều ống kính Leica khác, cả dòng M và R hơn tại Leitz Wetzlar! Kluck chính thức nghỉ hưu vào năm 1980, nhưng ông trở lại văn phòng hầu như hàng ngày như là một người tư vấn trong suốt nhiều năm sau, quá trình mà ông lại “nghỉ hưu” thêm vài lần nữa…

Walter Kluck cũng là một thành viên rất tích cực trong cộng đồng ở Midland, phục vụ trong mảng bệnh viện ở Midland, trường học, ủy ban quy hoạch thị trấn, và YMCA nơi ông làm phó chủ tịch. Ông cũng là thành viên trong Hội đồng thương mại Midland, và ông ủng hộ tích cực Wye Marsh Wildlife Center (một tổ chức bảo tồn sinh thái) và bảo tàng Huronia.

Hiệp hội Leica Historical Society of America (LHSA) đã được vinh dự nghe ông Kluck trình bày những bài thuyết trình rất sinh động và giàu thông tin lịch sử tại những cuộc gặp thường niên của nó tại Louisville, Kentucky vào 1976 và tại Columbus, Ohio vào năm 1993.

Công ty đã đổi chủ sở hữu một vài lần và hiện nay nó đang phát triển thịnh vượng dưới tên gọi Elcan Optical Technologies Limited, một nhánh của Raytheon. Chính Walter Kluck đã tạo ra tên thương mại “ELCAN” vào khoảng năm 1960 (từ Ernst Leitz Canada), và cũng là tên của một nhánh sản phẩm ống kính đặc biệt, và cái tên đấy hiện nay gìn giữ di sản của một công ty thịnh vượng. Walter Kluck, một người dám nghĩ dám làm và tháo vát và là một thành viên xuất chúng trong công ty của ông và trong cộng đồng  ở quê hương thứ hai của ông, qua đời ngày 26 tháng 11 năm 1996 ở tuổi 74 sau một thời gian ngắn bị bệnh khi đi nghỉ ở Seminole, Florida./.

Bởi Rolf Fricke, với sự cảm ơn đặc biệt đến Bà Lilli Kluck, Tiến sĩ Walter Mandler, Henry Weimer, Ludwig Schaus, Ernst Pausch.
Được dịch bởi Kiemchacsu. Bài gốc được đăng ở http://kiemchacsu.blogspot.com